Lịch sử hình thành và phát triển Ngành Than
1. Lịch sử ngành khai thác than ở Quảng Ninh
Than có ở ba miền đất nước Việt Nam. Song trữ lượng và loại than Ăng tơ ra xít tập trung chủ yếu ở Quảng Ninh, chạy dài trên 180km từ Mạo Khê (Đông Triều) đến Cái Bầu (Cẩm Phả).
Ngày 24/4/1884, Thực dân Pháp ép triều đình nhà Nguyễn bán khu vực mỏ Hòn Gấc (Hòn Gai - Cẩm Phả) cho tư bản Pháp. Ngay sau khi chiếm được khu Mỏ, Pháp lần lượt thành lập các công ty than lớn mạnh: công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (SFCT), công ty Pháp mỏ than Đông Triều (SCDT), công ty Hạ Long – Đồng Đăng, công ty than gầy Bắc Kỳ.
Sự ra đời của các mỏ than tất yếu dẫn đến sự ra đời của các tầng lớp công nhân mỏ ở Quảng Ninh. Số lượng công nhân ở khu mỏ Quảng Ninh khá đông đảo, có thời điểm lên tới hơn 36.000 công nhân (1936), tập trung chủ yếu ở hai công ty: SFCT và SCDT.
Trong suốt thời gian thống trị, chính sách bao trùm của bọn chủ mỏ và chính quyền thực dân Pháp ở vùng mỏ là đàn áp, khủng bố với những thủ đoạn vô cùng tàn bạo. Người thợ bị bóc lột cả thể chất lẫn tinh thần, đời sống khốn khổ. Tất cả đó đã đẩy cuộc đời người thợ mỏ đến mức không thể sống được nếu không vùng lên đấu tranh đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.
Các cuộc đấu tranh của phu mỏ thời kỳ này thường lẻ tẻ, từng cá nhân, nhóm người; đấu tranh tự phát, không có sự tính toán và tập hợp lực lượng…Tuy nhiên, đó được coi là điểm xuất phát của họ để tiến tới cao trào cách mạng sau này.
- Phong trào “Vô sản hóa” ở khu mỏ
Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội). Đây là đoàn thể cách mạng đầu tiên ở nước ta có tổ chức chặt chẽ, có tôn chỉ, mục đích rõ ràng.
Từ năm 1927, Cơ sở Hội nhanh chóng lan rộng. Đặc biệt ở Bắc Kỳ - nơi công nghiệp phát triển ở nước ta lúc đó.
Trong năm 1928 – 1929, một loạt cán bộ của Hội được Kỳ bộ Bắc kỳ cử đi “vô sản hóa” ở Cẩm Phả- Cửa Ông, Vàng Danh – Uông Bí, Mạo Khê, Hòn Gai, Hà Tu, Hà Lầm…Trong đó có các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Xứng (Lê Thanh Nghị), Đặng Châu Tuệ, Vũ Thị Mai, Nguyễn Văn Lịch (tức Mẫn)…
Từ đây trở đi, phong trào đấu tranh của công nhân mỏ Quảng Ninh đã có bước chuyển biến về chất, từ những phong trào có tính chất tự phát đã phát triển thành những phong trào tự giác, đi vào chuẩn bị và tổ chức tiến lên những bước cao hơn.
- Thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Quảng Ninh
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng trong lịch sử Cách mạng Việt Nam.
Cuối tháng 2 năm 1930, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Mạo Khê được thành lập, gồm 5 đồng chí: Đặng Châu Tuệ, Nguyễn Huy Sán, Bùi Văn Mạo, Bùi Đức Giao, Vũ Thị Mai. Đồng chí Đặng Châu Tuệ là Bí thư. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở vùng mỏ Quảng Ninh. Sau chi bộ ở Mạo Khê, các chi bộ khác nối tiếp được thành lập ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí.
Tháng 10/1930, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập tại vùng Mỏ Quảng Ninh một Đặc khu, lấy tên là Đặc khu Đông Triều - Hòn Gai - Cẩm Phả. Chỉ định Ban chấp hành Đặc Khu gồm các đồng chí: Vũ Văn Hiếu, Trần Văn Nghệ, Phạm Gia. Đồng chí Vũ Văn Hiếu được cử làm bí thư Đặc Khu ủy. Từ đây phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ở Vùng Mỏ phát triển mạnh mẽ.
- Cuộc Tổng Bãi công của thợ mỏ, ngày 12/11/1936
Giữa năm 1936, phong trào đấu tranh trong toàn quốc dâng mạnh đã ảnh hưởng lớn đến phong trào khu mỏ Quảng Ninh.
Đầu tháng 11/1936, tên Tây “cóc” coi tầng Núi Trọc đã đánh một công nhân lớn tuổi rất tàn nhẫn. Hành động này gây căm thù, phẫn nộ rất nhanh trong toàn thể công nhân mỏ Cẩm Phả. Đây là cơ hội để cuộc đấu tranh bùng nổ.
Đêm 12/11/1936, không khí chuẩn bị cho cuộc bãi công được tiến hành ở khu vực Cẩm Phả.
Sáng ngày 13/11/1936, cả khu vực Cẩm Phả hừng hực khí thế cách mạng. Hơn một vạn thợ mỏ Cẩm Phả đồng loạt nghỉ việc.
Ngày 14/11/1936, thực dân Pháp đưa về mỏ 40 xe chở đầy lính lê dương, khố xanh để đàn áp cuộc bãi công.
3 giờ chiều ngày 20/11/1936, chủ mỏ phải tuyên bố chấp thuận những yêu sách của công nhân: “Trả lương 3 hào một ngày, trả tiền cuốc xẻng. Chịu tiền dầu mỡ và bảo dưỡng xe goòng. Công nhân vắng mặt bất cứ lý do gì cũng không được phạt”. Như vậy sau 8 ngày đấu tranh liên tục, quyết liệt, cuộc đấu tranh của công nhân Cẩm Phả đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Công nhân và nhân dân lao động Cẩm Phả hò reo náo động, đốt pháo ăn mừng thắng lợi.
Sáng ngày 23/11/1936, công nhân nhiều nhà máy đồng loạt bãi công: nhà máy Cơ khí Hòn Gai, nhà máy than luyện, mỏ than Hà Tu, Hà Lầm, nhà máy điện Cột 5....
Chiều ngày 24/11/1936, công nhân mỏ than Mông Dương kéo đến gặp chủ mỏ để tăng lương.
Ngày 25/11/1936, công nhân nhà sàng và cảng Cửa Ông, mỏ than Kế Bào, Cái Đá, Đồng Đăng bãi công đòi tăng lương.
Sáng ngày 27/11/1936, công nhân khu vực Hòn Gai tập trung sân bóng đã biến thành cuộc biểu tình, biểu dương lực lượng.
Chiều ngày 28/11/1936, chủ mỏ Hòn Gai phải ra thông báo chấp nhận yêu sách của công nhân. Trước tình hình đó, chủ mỏ Uông Bí, Vàng Danh, Mạo Khê đã vội vàng tăng lương đồng loạt 10% cho tất cả công nhân.
Sau 17 ngày (từ đêm 12/11 đến chiều ngày 28/11/1936) với tinh thần đấu tranh bền bỉ , liên tục và quyết liệt, cuộc tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ diễn ra trên phạm vi trải dài hàng chục km toàn vùng mỏ đã giành được thắng lợi hoàn toàn.
- Vùng Mỏ giải phóng, thợ mỏ kiên cường trong sản xuất, chiến đấu, góp phần xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1955 - 1975)
Ngày 8/4/1955, Hiệp định về chuyển giao mỏ than Hòn Gai (bao gồm cả khu vực Hòn Gai và Cẩm Phả) giữa đại diện Chính phủ ta với đại diện Công ty than Bắc Kỳ được ký kết. 12 giờ trưa ngày 24/4/1955, những tên lính Pháp cuối cùng rời khỏi khu mỏ.
Ngày 25/4/1955, Vùng Mỏ giải phòng hoàn toàn. Ngành than bắt tay vào khôi phục sản xuất, cung cấp than cho nền kinh tế quốc dân.
Trong 3 năm khôi phục kinh tế (1955 - 1957), ngành Than tập trung sửa chữa các công trình trọng điểm phục vụ cho việc vận chuyển than, sàng than, sửa chữa phục hồi các thiết bị hỏng do Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ để lại.
Thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960 -1965), Ngành Than đã ra sức thi đua lao động sản xuất, đưa sản lượng than tăng hơn 3,3 lần so với ngày đầu tiên tiếp quản Vùng Mỏ.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, ngành Than sản xuất được 11,8 triệu tấn than (1966-1970), 15,8 triệu tấn (1971 -1975). CNCB ngành Than vừa sản xuất, vừa tổ chức lực lượng tự vệ anh dũng đánh trả máy bay Mỹ với các khẩu hiệu: “Trận địa là nhà, Vùng Mỏ là quê hương”, “Chắc tay búa, vững tay súng”, “Vì miền Nam ruột thịt”… Ngày 30/7/1967, Binh đoàn than được thành lập, với 2000 công nhân ngành than lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu, lập nhiều chiến công, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- Ngành than trong thời kỳ bao cấp và những năm đổi mới đến nay
Ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất. Nhà nước tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực cho ngành Than, phục vụ công cuộc xây dựng XHCN.
Năm 1986, đất nước ta bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới.
Ngày 10/10/1994, Tổng Công ty Than Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 563/TTg.
Ngày 26/12/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 345/QĐ –TTg thành lập Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam.
Hơn 85 năm qua, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” được lớp lớp các thế hệ thợ mỏ kế tiếp nhau phát huy, kết hợp với sức mạnh thời đại và sự đoàn kết đồng thuận vượt qua mọi khó khăn gian khổ để xây dựng ngành Than Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.
Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng năm 1996, Danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2005, Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2014, nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng LLVT nhân dân, Huân, Huy chương và nhiều phần thưởng cao quý khác.
2. Khai thác than lộ thiên và khai thác than hầm lò
Việt Nam là một trong những quốc gia có trữ lượng than lớn nhất ở Đông Nam Á. Phần lớn than đá ở Việt Nam thuộc dòng than antraxit. Đây là dòng than có % cacbon ở ngưỡng ổn định, trên 80% phân bố tập trung chủ yếu ở tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay theo ước tính tới độ sâu 300m trữ lượng than Quảng Ninh là 3.6 tỷ tấn cho phép khai thác từ 18-40 triệu tấn/năm.
- Khai thác than lộ thiên
Khai thác than đá tại mỏ lộ thiên là một trong những hình thức khai thác khoáng sản lâu đời nhất trên thế giới, khi được áp dụng lần đầu tiên vào thế kỉ 16 và trở nên phổ biến vào thế kỉ 20.
Nguyên lí cơ bản của hình thức khai thác này chính là: làm sạch và lấy mẫu, bóc dỡ lớp đất đá bao phủ trên bề mặt cần khai thác=> dùng máy xúc tay, máy xúc nhiều gàu để lấy than => vận chuyển đến khu sàng tuyển để phân loại => tập kết đến khu kho bãi => tiêu thụ, xuất khẩu => phục hồi, hoàn nguyên cảnh quan.
Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam hiện có khoảng 20 mỏ lộ thiên và công trường khai thác lộ thiên do các công ty khai thác than hầm lò quản lý với công suất khai thác từ 100.000 tấn đến dưới 2 triệu tấn than nguyên khai/năm, tập trung ở Uông Bí, Mạo khê, Hòn Gai, Cẩm Phả.
Ngày nay các công nghệ khai thác kết hợp máy móc hiện đại đã làm tăng sản lượng than đáp ứng nhu cấu tiêu thụ và xuất khẩu than.
Khi nguồn than lộ thiên ngày một cạn kiện, việc chuyển dịch sang khai thác than hầm lò là điều tất yếu, vừa giúp tận dụng nguồn tài nguyên, vừa bảo đảm môi trường sinh thái được bền vững.
Hiện nay Quảng Ninh có khoảng 30 mỏ khai thác than hầm lò, trong đó 7 hầm lò công suất từ 1 triệu tấn than trở lên bao gồm Mạo Khê, Vàng Danh, Nam Mẫu, Hà Lầm, Mông Dương, Khe Chàm, Dương Huy. Các mỏ còn lại đã được cải tạo để đạt mức 300.000-800.000 tấn/năm.
Giai đoạn đầu, khai thác hầm lò chủ yếu thực hiện bằng phương pháp thủ công. Lò chợ được chống bằng cột gỗ. Giai đoạn gần đây, khai thác than hầm lò tại hầu hết các khâu dần chuyển dịch sang công nghệ cơ giới hóa đồng bộ.
Quy trình khai thác than hầm lò: tập hợp các công việc chuẩn bị và khai thác than cần được thực hiện trong một khu khai thác, bao gồm công tác chính (tách than khỏi khối nguyên ban đầu, phá vỡ than, xúc bốc và vận tải than, chống giữ lò chợ và điều khiển áp lực mỏ) và công tác phụ (di chuyển thiết bị vận tải, cung cấp vật liệu, thiết bị, năng lượng vào lò chợ, thông gió, chống bụi, thoát nước, chiếu sáng, thông tin liên lạc).
Các quá trình cơ bản của khai thác than hầm lò: Mở vỉa; khấu than; chống giữ lò chợ; điều khiển áp lực mỏ lò chợ; các công đoạn cuối mỏ lò chợ; lắp ráp và tháo thiết bị mỏ lò chợ.