Ðánh bắt hải sản ở Quảng Ninh là một nghề truyền thống, có lịch sử lâu đời. Hiện nay còn tồn tại nhiều cách thức đánh bắt thủ công như: câu mực, câu cá song, câu cáy, đào sái sùng, đánh cá đèn, cào ngán, cào thiếp, bổ hà...
Ðánh bắt hải sản ở Quảng Ninh là một nghề truyền thống, có lịch sử lâu đời. Hiện nay còn tồn tại nhiều cách thức đánh bắt thủ công như: câu mực, câu cá song, câu cáy, đào sái sùng, đánh cá đèn, cào ngán, cào thiếp, bổ hà...không những có ý nghĩa về mặt kinh tế xã hội mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt văn hoá và du lịch.Trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư nâng cấp tàu thuyền, ngư cụ, trang thiết bị hiện đại để đánh bắt xa bờ, nâng cao sản lượng, kết hợp với việc đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản ở ven bờ.
Theo thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 25 loại thuyền nghề khác nhau, được xếp vào 5 nhóm nghề chủ yếu bao gồm: lưới kéo, chài chụp kết hợp ánh sáng, lưới rê, câu và một số nghề khác.
Không gian trưng bày theo chuyên đề Ngư cụ và Nghề đánh bắt thủy, hải sản ở Quảng Ninh được trưng bày được bố trí khoa học với rất nhiều hiện vật đã sưu tầm, gắn liền với ngư dân qua nhiều thời kỳ, phản ánh chân thực cuộc sống thường ngày của ngư dân vùng biển.
Các loại Thuyền đánh bắt
Ngư dân Quảng Ninh có nghề đóng thuyền lâu đời. Trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư nâng cấp tàu thuyền, trang thiết bị hiện đại để đánh bắt xa bờ, nâng cao sản lượng, kết hợp với việc đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản ở ven bờ.
- Thuyền Chài: là chiếc thuyền gỗ có hai máy, của ông Nguyễn Văn Hồng (52 tuổi) và bà Vũ Thị Dần (50 tuổi) ở Hòn Gai. Năm 2005, ông thuê một nhóm thợ ở Hòn Gai làm, với giá 40 triệu đồng. Thuyền được sưu tầm về Bảo Tàng tháng 10-2013.
Thuyền vừa là phương tiện kiếm sống, vừa là chỗ ở. Thuyền được chia làm 03 phần: khoang thuyền, mũi thuyền và phía sau thuyền.
Thuyền Ba Vát (Mô hình tỷ lệ ½): Thuyền ba vát cánh dơi trước đây phổ biến ở vùng Yên Hưng - Quảng Ninh, là loại thuyền buồm đi ngược gió, nhỏ gọn, linh hoạt, dùng để đánh bắt hải sản hoặc chuyên chở trên sông, biển.
Thuyền nan: Những chiếc thuyền nan này được Bảo tàng đặt làm năm 2001 ở làng nghề Hưng Học, Nam Hòa, Quảng Yên. Đây là vật dụng không thể thiếu của ngư dân vùng sông nước Quảng Ninh. Với đặc trưng nhẹ và cơ động, loại thuyền này không chỉ là phương tiện di chuyển, vận chuyển hàng hóa, đánh bắt gần bờ mà có khi đó còn là nơi sinh sống của cả gia đình ngư dân.
Đây là loại thuyền nan nhỏ có hai mái chèo, dùng làm phương tiện di chuyển gần, người địa phương thường gọi là mủng đan, mủng bơi.