1. Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Yên Tử
- Vị trí: Yên Tử là ngọn núi cao nhất của vùng Đông Bắc Việt Nam, là một vùng đồi núi hoang sơ gắn liền truyền thuyết về đạo sỹ An Kỳ Sinh tu tiên đắc đạo hoá đá trên đỉnh núi.
- Yên Tử là một địa điểm có sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt: chùa Suối Tắm, chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Bảo Sái, chùa Đồng... Một số Am: Am Dược, am Thung, am Thiền Định, am Lò Rèn, am Diêm…
- Yên Tử còn là cội nguồn Phật giáo Việt Nam, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - dòng thiền mang đậm bản sắc Việt Nam.
- Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử đã được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2012.
- Thiền Phái Trúc Lâm:
+ Quá trình sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Năm 1299 Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã khai sáng một Thiền phái mới mang đậm tính dân tộc - Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
+ Thiền phái Trúc Lâm đã dung hội được cả ba thiền phái: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa các hệ tư tưởng mang tinh thần “dân ái” và “nhân ái”, nên Thiền phái Trúc Lâm đã sớm trở thành Thiền nhập thế, gần gũi với quảng đại quần chúng và là sợi dây kết nối cộng đồng dân tộc.
+ Giá trị của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử:Luôn đề cao độc lập dân tộc và lòng bác ái, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho Nhà Trần để xây dựng một nhà nước Đại Việt hùng cường. Đây chính là sự đóng góp to lớn của Thiền phái Trúc Lâm trong lịch sử Việt Nam.
2. Di tích lịch sử văn hóa nhà Trần
- Vị trí nhà Trần trong các triều đại phong kiến Việt Nam: Nhà Trần được biết đến là một trong những triều đại vang danh bậc nhất trong lịch sử dựng nước, giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta. Trải qua 175 năm (1225 - 1400) với 12 đời vua và 7 năm Hậu Trần với 2 đời vua, đến nay những thành tựu rực rỡ của nhà Trần tại Quảng Ninh vẫn còn để lại dấu tích như Yên Tử, Bạch Đằng, Đông Triều và Thương cảng Vân Đồn.
- Vai trò và những đóng góp của triều Trần tại Quảng Ninh: Đông Triều (Quảng Ninh) là một trong ba trung tâm văn hoá, chính trị lớn nhất đời nhà Trần. Đây là nơi phát triển mạnh nhất, toàn diện nhất nền văn hoá đặc sắc của nhà Trần, từ văn chương, nghệ thuật kiến trúc đến tôn giáo... Do đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của nhà Trần trên mảnh đất Quảng Ninh là một việc làm vô cùng cần thiết và cấp bách.