Miếu Tiên Công hay còn gọi là đền Thập Cửu Tiên Công, tọa lạc ở xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia tại Quyết định số 34VH/QĐ-BVHTT ngày 09/02/1990.
Miếu Tiên Công
Xưa kia đảo Hà Nam là một bãi bồi ở cửa sông Bạch Đằng, khi triều lên nước ngập mênh mông chỉ còn một số đượng nổi lên, xung quanh sú, vẹt mọc um tùm. Theo gia phả của các dòng họ mà thủy tổ là các vị Tiên công: Từ thời Lý - Trần đã có các vạn chài đến các bãi bồi này phơi lưới, đánh cá. Đến thời vua Lê Thái Tông, niên hiệu Thiệu Bình (1434) có 17 vị ở phường Kim Hoa, phủ Hoài Đức, phía Nam thành Thăng Long đã đến bãi bồi này dựa vào các đượng đất cao trên triều cùng cả vạn chài quai đê lấn biển, lập nên phường Bông Lưu sau này là xã Phong Lưu gồm 3 thôn: Cẩm La, Yên Đông, Phong Cốc. Một thời gian sau, có thêm 2 gia đình khác quê huyện Trà Lý (Hà Nam Ninh) cũng tìm đến lập nên xứ Bản Động sau đổi thành Trung Bản và sáp nhập vào xã Phong Lưu thành 4 thôn: Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông, Trung Bản.
Cũng trong thời gian này ở phía Đông xã Phong Lưu có ông Hoàng Kim Bảng và Đồng Đức Hấn chiêu tập dân chài quai đê lấn biển lập nên xã Vị Dương nay thuộc xã Liên Vị. Ông Đỗ Độ và ông Đào Bá Lệ chiêu dân lập nên xã Lương Quy nay là xã Liên Hòa. Những năm về sau nhân dân Tuần Châu (Quảng Ninh), Chí Linh (Hải Dương) lập nên xã Hải Triều (nay là phường Yên Hải), xã Hưng Học (Phường Nam Hòa), lâu dần đã tạo thành khu đảo Hà Nam trù phú được bao quanh bởi 34km đê biển vững chắc, gồm 8 xã, phường như ngày nay (Cẩm La, Phong Cốc, Phong Hải, Nam Hòa, Yên Hải, Liên Hòa, Liên Vị và Tiền Phong), với hơn 6 vạn dân sinh sống.
Để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các vị Tiên Công đã quai đê, lấn biển, lập làng, nhân dân đã lập miếu (đền) thờ. Các vị Tiên Công được thờ tại đây gồm: Vũ Song - Hiệu sinh, Vũ Hồng Tiệm - Hiệu sinh, Bùi Huy Ngoạn - Hiệu sinh, Ngô Bách Đoan, Nguyễn Phúc Cốc, Nguyễn Phúc Thắng, Nguyễn phúc Vinh, Lê Khép, Lê Mở, Vũ Tam Tỉnh - Quốc tử giám, giám sinh, Vũ Giai - Quốc tử giám, giám sinh, Nguyễn Nghệ - Quốc tử giám, giám sinh, Nguyễn Thực, Bùi Bách Niên - Quốc tử giám, giám sinh, Phạm Việt, Dương Quang Tín, Dương Quang Tấn, Hoàng Nông, Hoàng Nênh. Sau này nhân dân thôn Trung Bản đưa bài vị của 2 vị Tiên Công là Hoàng Nông và Hoàng Nênh về thờ tại miếu Tiên Công thuộc xã Liên Hòa.
Miếu nằm trong khuôn viên rộng gần 3.000m2, quay hướng Đông, kiến trúc kiểu chữ nhị, mỗi tòa có 3 gian, 2 chái, 4 mái, lợp ngói mũi hài. Gốc tích của ngôi đền là ngôi miếu thờ thần nông và thần đất. Dù chưa biết chính xác miếu được xây dựng vào năm nào, nhưng trên câu đầu có ghi dòng chữ “Gia Long tam niên trọng hạ nguyệt, cốc nhật thượng trụ thượng lương” (Giữa mùa Hạ năm Gia Long thứ 3 thời Nguyễn – 1804 dựng cây thượng lương). Miếu được trùng tu qua các năm: 1920, 1931, 1946 và nhiều lần về sau.
Hiện nay miếu Tiên Công còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật và đồ thờ tự có giá trị. Gian giữa có một khám thờ bằng gỗ sơn son thiếp vàng, trạm trổ đẹp, bên trong đặt bài vị “Khai sáng đồng điền thập thất tiên công thần vị” (thần vị của 17 vị Tiên công khai mở đất). Phía trước khám có một sắc phong bằng gỗ sơn son thiếp vàng của Vua Khải Định ngày 25/7/1924, có nội dung: Sắc cho bốn xã Phong Cốc, An Đông, Cẩm La, Trung Bản, tổng Hà Nam, huyện Yên Hưng - tỉnh Quảng Yên thờ phụng các người có công khai canh ruộng đồng… Phía trên gian giữa có bức đại tự với 4 chữ “Phong lưu nghĩa dân” nói lên đức tính của người dân vừa phong lưu vừa nghĩa hiệp. Trong miếu còn có bức hoành phi “Hoài đức duy hinh”. Ngoài ra còn có câu đối ca ngợi, tưởng nhớ công lao to lớn của các vị Tiên Công:
“Thác thổ khai cương công tại vạn thế
Báo bản phản thủy nguyện xuất đồng nhân”
(Đắp bờ mở cõi công để muôn đời
Báo gốc hướng nguồn nguyện tạo ra những lớp người nối nghiệp).
Gian trái của miếu đặt một khán thờ bằng gỗ sơn son thiếp vàng, trong có bài vị ghi:“Phụ khẩn hậu đồng liệt vị Tiên Công thần vị”. Gian bên phải cũng có một khán thờ bằng gỗ, bài vị ghi: “Phụ khẩn hậu đồng liệt vị Tiên Công thần vị”. Trong miếu còn có tấm bia đá nói về hồ Mạch, nơi phát nguyên của các vị Tiên Công.
Bên trong miếu Tiên Công
Lễ hội miếu Tiên Công được tổ chức vào ngày 6-7 tháng Giêng hằng năm tại miếu Tiên Công và tại các gia đình có cụ Thượng thọ. Các gia đình có cụ Thượng tuổi tròn 80, 90 hoặc 100 làm lễ khao Thượng Thọ sau đó rước các cụ lên miếu để lễ Tiên Công, đây là nét rất riêng biệt của lễ hội, đó là rước người sống chứ không phải rước bài vị hay bát hương như các lễ hội khác. Sau đó đại diện 2 cụ Thượng thực hiện nghi lễ đắp đê và đấu vật tượng trưng để giáo dục con cháu về truyền thống quai đê lấn biển và tinh thần thượng võ xưa kia của các vị Tiên Công. Phần hội diễn ra rất phong phú với nhiều hoạt động như: chơi cờ người, chọi gà, đánh đu, đấu vật, tổ tôm điếm, kéo co… đặc biệt là hát đúm, loại hình trình diễn dân gian đặc trưng của vùng đất đảo Hà Nam không thể thiếu trong lễ hội Tiên Công.
Nghi thức rước cụ Thượng trong lễ hội miếu Tiên Công (ảnh ST)
Miếu Tiên Công không chỉ là nơi tưởng nhớ, tri ân công lao của các vị Tiên Công có công quai đê lấn biển, gây dựng lên vùng đất đảo Hà Nam ngày nay mà còn giáo dục cho các thế hệ con cháu hiếu nghĩa với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và luôn nhớ về cội nguồn dân tộc. Miếu Tiên Công - lễ hội Tiên Công đã trở thành lễ hội lớn không chỉ của vùng đất Hà Nam, thị xã Quảng Yên mà là lễ hội lớn của tỉnh Quảng Ninh, đã được xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hằng năm thu hút rất đông du khách thập phương đến dự./.
Bài, ảnh: Phan Thị Thúy Vân