Image
Loading
20/10/2023 12:00 SA
Thạp gốm hoa nâu thời Lý tại Bảo tàng Quảng Ninh được công nhận là Bảo vật Quốc gia

          Thạp gốm hoa nâu thời Lý

 

Thạp gốm hoa nâu thời Lý tại Bảo tàng Quảng Ninh được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 2283/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Đợt 9, năm 2020).

Thạp gốm hoa nâu thời Lý được làm từ đất sét trắng; tráng men trắng xanh và tô men nâu; nung ở nhiệt độ cao; được tạo dáng từ việc chuốt tay dựa trên bàn xoay đồ gốm. Thạp gốm hoa nâu thời Lý có chiều cao tổng thể: 35,5cm; trọng lượng: 9,3kg (thạp nặng: 5,85kg; chân đế nặng: 3,45kg).

Thạp có dáng hình trụ, phần miệng hơi loe, thành đứng, đáy hơi thót. Phần chân đế thấp dạng đài sen, miệng loe vừa đủ để đặt đáy thạp lên trên. Đây là hình dáng đặc biệt hiếm có của loại hình thạp gốm hoa nâu có chân đế thời Lý đã phát hiện ở miền Bắc Việt Nam. Hình dáng là một trong những tiêu chí nhận dạng đặc trưng của thạp gốm hoa nâu thời Lý tại Bảo tàng Quảng Ninh.

 

 Đặc trưng tiêu biểu nhất của thạp gốm hoa nâu thời Lý tại Bảo tàng Quảng Ninh là tạo dáng bên ngoài bao gồm hai bộ phận, thạp ở trên và chân đế ở dưới. Từ trên xuống dưới tạo nhiều lớp hoa văn trang trí khác nhau, hàm chứa một ý niệm văn hóa đặc sắc thời . Thạp có miệng loe, mép miệng nhọn, vai gãy ngang trang trí cánh sen kép đắp nổi thành dải. Tổng cộng có 32 cánh sen chính liền nhau nằm trên và 32 cánh sen phụ nằm dưới giữa hai cánh sen chính. Các cánh sen chính phụ được khắc thủ công, nên không đều nhau, kích thước to nhỏ khác nhau.

Liền sát và xen kẽ dưới hàng cánh sen là một dải in sâu hình tam giác nhỏ, lên men nâu. Đây là biểu thị chiều sâu của nhiều lớp cánh sen khác mà người nghệ nhân gốm mong muốn thể hiện.

Tiếp dưới lớp hoa văn cánh sen của vai thạp là một dải băng hoa văn hình lá đề rủ. Mỗi lá đề được khắc tạo đơn giản bằng 7-9 nét khắc chìm, bên trong tô màu nâu. Cuống lá đề gắn vào vành hoa văn cánh sen vai thạp, mũi lá đề rủ xuống dưới thân thạp. Có tổng cộng 42 lá đề, mỗi lá đề có kích thước trung bình: rộng 1,8cm và cao 2cm. Dưới băng lá đề có một dải đường tròn in bằng khuôn nằm giữa hai đường vạch chìm trên dưới. Tiếp theo là một khoảng trống hẹp, rộng 0,7-0,8cm, chỉ có tráng men trắng xanh. Cuối cùng là băng hoa văn chính của thạp được tạo dáng thành các cánh sen lớn và dài, mũi cánh sen hướng lên trên, dài toàn bộ 21cm. Đáy thạp bằng, để mộc, không tráng men, có dấu vết chồng nung xung quanh viền đế.

           Chân đế được tạo tác riêng có hình dáng tổng thể như một đài sen. Mép miệng chân đế tạo cánh sen tương tự trên vai thạp về hình dáng và kỹ thuật thực hiện. Có tổng cộng 29 cánh sen chính và 29 cánh sen phụ, mũi cánh sen hướng lên trên. Phía dưới cánh sen chính là cánh sen phụ. Tiếp theo lớp cánh sen chính và phụ này, có một lớp 33 cánh sen đơn, mũi cánh sen hướng lên trên, tạo khối nổi 0,1-0,3cm, trong lòng cánh sen chỉ có một đường khắc chìm cong nhỏ.

         Dưới ba lớp cánh sen trên là một dãy 12 trụ hình chữ nhật dẹt. Trên mỗi trụ được gắn một hình em bé của thế giới cực lạc. Các hình này được tạo bằng khuôn, kích thước mỗi hình rộng 1,8cm, cao 1,3cm và dày 0,5cm. Hình mô tả một em bé có khuôn mặt bầu bĩnh, đều quay ngang sang trái, trong tư thế chân phải chống gối, chân trái quỳ gối, hai tay giơ đều trên đầu để đỡ đài sen ở phần trên của chân đế thạp. Các hình em bé này được tô màu nâu và men trắng xanh cánh đều nhau.

            Căn cứ vào cấu trúc, hình dáng, kích thước, hoa văn trang trí được tạo tác tỷ mỷ, thì có thể nhận định thạp gốm hoa nâu thời Lý của Bảo tàng Quảng Ninh có thể là đồ dùng của tầng lớp quyền quý, hoặc là đồ lễ khí (tế khí) trong các hoạt động nghi lễ (tế lễ) của đời sống cung đình (miếu/đường) hoặc đời sống tôn giáo (chùa) thời Lý. Hình tượng hoa sen trang trí trên thạp gốm hoa nâu thời Lý mang đậm yếu tố Phật giáo truyền thống Đại Việt thế kỷ XII. Thạp gốm hoa nâu thời Lý là biểu tượng cho sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ thời Lý, phản ánh một phần giá trị tư tưởng, trình độ thẩm mỹ của thời đại; đồng thời còn cho thấy được những nét văn hóa trong đời sống sinh hoạt cũng như tính hữu dụng trong quá trình tồn tại của di vật.

trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
 
 
 

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 12:00 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Thống đồng thời Trần (thế kỷ XIII - XIV)

Thống đồng thời Trần (thế kỷ XIII - XIV)

  • 23/11/2023 12:00 SA

Thống đồng thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) tại Bảo tàng Quảng Ninh được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Đợt 8, năm 2019).