Trong tổng số 71 nhà thờ của các dòng họ ở khu vực Hà Nam thì có tới 21 nhà thờ các vị Tiên Công đã được xếp hạng di tích Quốc gia. Các di tích này nằm ở các phường, xã: Phong Cốc, Phong Hải, Yên Hải, Cẩm La, Liên Hoà và Liên Vị, thuộc khu Hà Nam, thị xã Quảng Yên.
Nhà thờ họ Ngô (Thủy tổ Ngô Bách Đoan), phường Phong Cốc
Hà Nam là vùng đất nằm ở phía Nam thị xã Quảng Yên, được nối bởi cầu Sông Chanh bắc qua dòng sông Chanh - một nhánh của sông Bạch Đằng. Tổng diện tích hơn 9.000ha với hơn 34km chiều dài đê biển, bao gồm 8 xã, phường: Cẩm La, Phong Cốc, Phong Hải, Nam Hoà, Yên Hải, Liên Hoà, Liên Vị và Tiền Phong. Có hơn 6 vạn dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt hải sản, vận tải biển và dịch vụ.
Bên trong nhà thờ họ Ngô (Thủy tổ Ngô Bách Đoan), phường Phong Cốc
Là một vùng đất nhỏ nhưng có tới 131 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 4 di tích nằm trong khu di tích Quốc gia đặc biệt, 35 di tích đã được xếp hạng Quốc gia và cấp tỉnh. Đây quả là một vùng địa linh có một không hai của tỉnh Quảng Ninh còn bảo tồn và phát huy được nền văn hoá lâu đời của ông cha ta để lại, với các lễ hội hội đặc sắc, phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục mang đậm phong cách của làng quê nông thôn Việt Nam.
Theo như gia phả của các dòng họ Tiên Công còn lưu giữ được mà sớm nhất là gia phả của dòng họ Nguyễn Thực, Nguyễn Nghệ ở phường Yên Hải viết lại vào năm Cảnh Hưng (1740-1786) thì vào năm 1434 Lê Thánh Tông lên ngôi Vua, ông tiếp tục sự nghiệp xây dựng đất nước của các triều Vua trước, một trong những chủ trương quan trọng thời đó là mở rộng Kinh thành, vì vậy cho phép dân quanh đấy di cư đi chỗ khác để làm ăn sinh sống. Mười bảy người quê ở làng Đồng Lầm, phủ Phụng Thiên, thành Thăng Long (nay là khu vực công viên Lê Nin, trường đại học Bách Khoa, khu tập thể Kim Liên và bệnh viện Bạch Mai, TP.Hà Nội), trong đó có 5 người là Quốc Tử Giám giám sinh (học sinh trường Quốc Tử Giám) và 3 người là hiệu sinh (học vị tú tài thời Lê), bao gồm: Vũ Song, Vũ Hồng Tiệm, Bùi Huy Ngoạn, Ngô Bách Đoan, Nguyễn Phúc Cốc, Nguyễn Phúc Thắng, Nguyễn Phúc Vinh, Lê Khép, Lê Mở, Vũ Tam Tỉnh, Vũ Giai, Nguyễn Nghệ, Nguyễn Thực, Bùi Bách Niên, Phạm Việt, Dương Quang Tín và Dương Quang Tấn. Họ đã tập hợp nhau lại sắm thuyền xuôi nước đi tìm chỗ ở mới. Đến cửa sông Bạch Đằng thuộc trấn Hải Đông, họ dừng thuyền ở đây và phát hiện ở phía Nam thị xã Quảng Yên có bãi triều rộng lớn, nhiều cây sú vẹt mọc dày đặc như rừng, khi nước triều lên, cả bãi sú vẹt ngập nước mênh mông nhưng có một số đượng đất cao nổi trên mức triều, trời mưa lại nghe thấy tiếng ếch kêu râm ran trên gò đất ấy, đoán rằng sẽ có nước ngọt (hồ Mạch ngày nay), lại thấy thiên thời, địa lợi, có sông nước mặn lên xuống theo thuỷ triều, kênh rạch vào ra thuận tiện, họ đã nhận định đây là vùng đất tốt có thể sinh sống lâu dài nên đã quyết định chọn nơi đây làm quê hương mới. Cuộc sống dần ổn định, con cháu ngày càng đông, quai đắp đất đai ngày càng rộng, rồi lập nên phường Bông Lưu, sau thành xã Phong Lưu gồm ba thôn Phong cốc, Cẩm La, Yên Đông.
Cũng trong khoảng thời gian đó, ở phía Đông xã Phong Lưu, có hai người là Hoàng Nông và Hoàng Nênh quê Trà Lý (Hà Nam) chiêu tập người quai đê lấn biển lập nên xứ Bản Động, sau đổi thành Trung Bản. Trung Bản sau sáp nhập với xã Phong Lưu thành 4 thôn (nhất xã tứ thôn): Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông, Trung Bản.
Ở phía Đông Nam xã Phong Lưu, có hai người là Đỗ Độ và Đào Bá Lệ quê ở Trà Lý (Hà Nam), một người là Lê Phúc Hy quê ở Văn Cú (Hải Dương), chiêu tập người quai đê lấn biển lập nên xã Lương Quy, nay là xã Liên Hoà. Ba người là Hoàng Kim Bảng, Đồng Đức Hấn và Phạm Thanh Lảnh chiêu tập người quai đê lấn biển lập nên xã Vị Dương, nay là xã Liên Vị.
Ở phía Tây Bắc xã Phong Lưu có Phạm Nhữ Lãm chiêu tập dân nghèo quai đê lấn biển lập nên xã Hải Triền nay là phường Yên Hải.
Những năm về sau, dân ở xã Phong Cốc đến mở mang thêm khu Đồng Cốc xã Hưng Học (nay là khu Hưng Học, phường Nam Hoà). Vòng đê của các xã Phong Lưu, Lương Quy, Vị Dương, Hải Triền, Hưng Học được nối liền tạo thành một khu đất mới gồm 8 phường, xã trù phú như ngày nay.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của những người đầu tiên khai phá tạo lập vùng quê mới, con cháu đời sau đã suy tôn các cụ là Tiên Công, lập miếu, đình thờ các cụ. Mười bảy cụ ở xã Phong Lưu được thờ chung ở miếu Tiên Công, xã Cẩm La (đã được xếp hạng di tích Quốc gia năm 1990). Hai cụ Hoàng Nông và Hoàng Nênh ở xã Trung Bản thờ ở miếu Tiên Công, xã Liên Hoà (xếp hạng năm 2001). Hai cụ Hoàng Kim Bảng, Đồng Đức Hấn được phối thờ ở đình Vị Dương, xã Liên Vị (đã hỏng), sau này cụ Đồng Đức Hấn được chuyển về quê thờ. Cụ Phạm Nhữ Lãm được phối thờ ở đình Hải Yên, phường Yên Hải (xếp hạng năm 2003). Hai cụ Đỗ Độ và Đào Bá Lệ được phối thờ ở đình Lưu Khê (xếp hạng năm 1995).
Từ đời thứ sáu trở đi (khoảng năm 1630), con cháu của các dòng họ phát triển đông đúc nên đã lập nhà thờ riêng để thờ cụ thuỷ tổ và các thế tổ tiếp theo của dòng họ mình. Các dòng họ sinh sống ở đây đến nay đã được 18 đến 22 đời, trong đó có nhiều người học hành hiển vinh đỗ đạt, làm quan chức hoặc có vị trí cao trong xã hội.
Các nhà thờ dòng họ Tiên Công ngoài việc xây dựng để sinh hoạt tín ngưỡng theo tục thờ cúng tổ tiên, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam thì mỗi nhà thờ dòng họ còn là một bảo tàng mỹ thuật, trưng bày các tác phẩm điêu khắc vô cùng giá trị, được nghệ nhân chạm trổ công phu tỉ mỉ sắc nét, tạo thành các bức tranh sống động hình long, ly, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, mai, hoa lá uốn lượn mềm mại được thể hiện trên các vì kèo, bức cốn, đầu dư, đầu bẩy, cửa võng, khám thờ... mang dấu ấn thời Lê, Nguyễn.
Hiện vật, đồ thờ trong các nhà thờ dòng họ không phải là những bức tượng phật, thần thánh cụ thể như những ngôi đình, chùa khác, mà là những bức trướng gỗ, khám, long ngai, bài vị ghi tên thuỷ tổ và các thế tổ, là những hương án, bát bửu, quán tẩy, đại tự, câu đối... ca ngợi công đức của tiên tổ, được dòng họ gìn giữ qua bao thế hệ và sắp xếp bài trí đúng ngôi thứ càng làm tăng thêm vẻ trang nghiêm và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Lễ tế Tổ đầu năm của nhà thờ họ Lê (Thủy tổ Lê Mở, Lê Khép),
phường Phong Cốc, ngày Mùng 4 Tết năm Canh Tý 2020 (ảnh Lê Đồng Sơn)
Ngoài lễ hội Tiên Công diễn ra vào ngày 6-7 tháng Giêng hàng năm thì các nhà thờ dòng họ Tiên Công còn có các ngày sinh hoạt văn hoá riêng, đó là lễ tế Tổ đầu năm (ngày 4/Giêng) và lễ tạ cuối năm (ngày 2/Chạp). Đây là dịp để con cháu tỏ lòng thành hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, kính trọng tuổi già và nhớ về cội nguồn dòng họ. Những ngày này, tuy chỉ giới hạn trong phạm vi dòng họ, nhưng tất cả 71 nhà thờ họ ở Hà Nam đều có chung hai ngày lễ đó. Vì vậy mà tất cả các nhà thờ dòng họ ở đây đã góp phần tạo nên ngày đại lễ hội Tiên Công - một lễ hội lớn ở Quảng Ninh mang nét đặc trưng tiêu biểu của vùng quê nông thôn Việt Nam đã được xếp hạng lễ hội Quốc gia./.
* Hình ảnh một số nhà thờ dòng họ Tiên Công ở khu Hà Nam, thị xã Quảng Yên
Miếu Tiên Công, xã Cẩm La – nơi thờ 17 vị Tiên Công
Bên trong miếu Tiên Công, xã Cẩm La
Lễ rước các cụ Thượng tuổi tròn 80, 90, 100 lên miếu Tiên Công, xã Cẩm La
bái yết các vị Tiên Công (ảnh TL)
Nhà thờ họ Đỗ (Thủy tổ Đỗ Độ), xã Liên Hòa
Bên trong nhà thờ họ Đỗ (Thủy tổ Đỗ Độ), xã Liên Hòa
Nhà thờ họ Vũ (Thủy tổ Vũ Tam Tỉnh), phường Yên Hải
Nhà thờ họ Bùi (Thủy tổ Bùi Huy Ngoạn), phường Phong Hải
Nhà thờ Họ Đào (Thủy tổ Đào Bá Lệ), xã Liên Hòa
Nhà thờ họ Dương (Thủy tổ Dương Quang Tín), xã Cẩm La
Nhà thờ họ Nguyễn (lớn) (Thủy tổ Nguyễn Thực – Nguyễn Nghệ), phường Yên Hải
Nhà thờ họ Phạm (Thủy tổ Phạm Nhữ Lãm), phường Yên Hải
Nhà thờ họ Phạm (Thủy tổ Phạm Thanh Lảnh), xã Liên Vị
Nhà thờ họ Vũ (Thủy tổ Vũ Giai), phường Yên Hải
Nhà thờ họ Vũ (Thủy tổ Vũ Hồng Tiệm), phường Phong Cốc
Nhà thờ họ Vũ (Thủy tổ Vũ Song), phường Phong Cốc
Phan Thị Thuý Vân