Chùa Lái toạ lạc ở khu Đồng Chùa, thôn Vị khê, xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên. Tên của chùa xuất phát từ tên gọi của làng - làng Lái, tên chữ là “Linh Ngai tự” (chùa Linh Ngai).
Chùa Lái, thôn Vị Khê, xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên
Theo như văn bia thì chùa được xây dựng từ đầu thế kỷ XVI bằng tranh tre vách đất để thờ Phật. Đến năm Hưng Trị thứ 2 (1589) chùa được Phật tử và nhân dân xã Vị Dương và Lưu Khê trùng tu xây dựng lại khang trang hơn.
Chùa nằm trong khu đất có tổng diện tích 5.767m2, xung quanh là cánh đồng lúa phì nhiêu màu mỡ, tấm bia “Linh Ngai tự bi ký” khắc năm 1589 có đoạn viết: “Chùa Linh Ngai được toạ lạc trên khu đất Linh Ngai, thôn Vị Khê, xã Vị Dương, huyện Yên Hưng, bốn phía xung quanh là ruộng phật. Xưa kia cổ nhân đã dựng chùa, cấy ruộng, nhìn thấy một khu lâu đài trúc mọc tốt tươi như đường dẫn tới bát nhã, là vẻ giàu có vững vàng của đất nước, là thắng cảnh quan trọng của đất Hải Đông… Sau khi xây dựng lại, chùa Linh Ngai tráng lệ, tượng phật tôn nghiêm, nhân dân kính thờ. Đây là bờ cõi rộng lớn ở trấn Tây, là thắng cảnh quan trọng của nước Nam…”. Chùa đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa được ghi vào bia đá như: năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1716), năm Thành Thái thứ 19 (1907), năm Khải Định thứ 3 (1918), năm Khải Định thứ 10 (1925), năm Bảo Đại thứ 3 (1928). Đã có 7 vị sư trụ trì và viên tịch ở đây được dựng tháp, các sư đều có lòng mộ đạo, có những nhà sư còn tham gia hoạt động cách mạng được tặng thưởng huân huy chương trong kháng chiến chống Pháp.
Nhà bia
Mặc dù thời gian đã làm cho cảnh cũ chùa xưa thay đổi nhiều nhưng nhìn tổng thể chùa Lái vẫn giữ được nét cổ kính của ngôi chùa cổ như 5 gian chùa chính, 5 gian nhà tổ, 3 gian nhà mẫu, nhà bia, vườn tháp được bố cục theo kiểu tiền Phật - hậu Tổ. Chùa Lái hiện còn lưu giữ được 125 hiện vật cổ có giá trị, trong đó có 6 pho tượng gỗ được tạc vào thời Mạc, 1 tấm bia đá thời Mạc, năm Hưng Trị thứ 2 (1589), 1 cây hương đá thời Lê, năm Vĩnh Thịnh thứ 12 (1716), 28 pho tượng được tạc vào thời Nguyễn, 6 tấm bia đá, 1 toà Cửu long bằng đồng và một chuông đồng to thời Nguyễn đúc năm Thành Thái thứ 19 (1907) và nhiều đồ thờ tự thời Lê, Nguyễn có giá trị.
Hệ thống tượng Phật chùa Lái
Với những giá trị trên, ngày 27/7/2000, chùa lái đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ký Quyết định số 1870 QĐ/UB xếp hạng là Di tích Nghệ thuật cấp Tỉnh. Hiện nay chùa đang bị xuống cấp, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, các tổ chức và Phật tử chung tay tu bổ, tôn tạo để ngôi chùa lại được khang trang như xưa kia đã từng có./.
Bài, ảnh: Phan Thị Thuý Vân