Núi Yên Lãng thuộc địa phận phường Yên Thọ, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh được xác định là địa điểm thác than đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay nằm trong khu vực do Công ty TNHH 1TV Than Mạo Khê - TKV quản lý.
Tổng thể các công trình đầu tư tôn tạo (giai đoạn I) di tích
Địa điểm thác than đầu tiên của Việt Nam tại núi Yên Lãng
Thời Nguyễn, địa danh này có tên Yên Lĩnh (An Lãnh) nằm trong khu vực có trữ lượng than lớn của đất nước. Vào cuối năm Kỷ Hợi, triều vua Minh Mệnh thứ 20 (1839), phát hiện thấy tiềm năng than đá lớn tại đây, vị Tổng đốc Hải Yên (nay là tỉnh Quảng Ninh) Tôn Thất Bật đã dâng sớ tâu với triều đình xin khai thác than đá tại núi Yên Lĩnh. Ngày 29/12/1839 (âm lịch), vua Minh Mệnh ra bức chỉ dụ cho phép Tổng đốc Hải Yên chính thức khai thác than tại vùng núi Yên Lĩnh. Từ giữa thế kỷ XIX vùng Yên Lĩnh (Yên Lãng) Đông Triều đã trở thành nơi khai thác than đầu tiên, do người Việt Nam đứng ra khai thác. Việc khai thác than mới chỉ sơ khai nhưng đã đánh dấu mốc quan trọng ra đời ngành khai thác Than Việt Nam sau này.
Chỉ dụ của vua Minh Mệnh thứ 20, ngày 29/12/1839 cho phép khai thác than
tại vùng núi Yên Lĩnh (phục chế trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh)
Ngoài bức chỉ dụ của vua Minh Mệnh xác định địa điểm khai thác than đá, tại khu vực này còn có một ngôi miếu nhỏ ở chân núi Yên Lãng thờ thần Than và cách đó không xa có một ngôi miếu Bãi Tràng Tiền, nơi đúc tiền và đúc vũ khí bằng chất đốt là nguồn than khai thác tại núi Yên Lãng.
Qua những căn cứ trên đã khẳng định Yên Lãng là địa điểm khai thác than đầu tiên ở Việt Nam. Vua Minh Mệnh là người khai sinh và là ông Tổ của ngành khai thác Than Việt Nam. Đối chiếu năm âm lịch sang dương lịch thì ngày 29 tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) là ngày 10 tháng 01 năm 1840 - Ngày ra đời của ngành khai thác than Việt Nam. Bức chỉ dụ cho phép khai thác than của vua Minh Mệnh là chứng cứ quan trọng, giúp chúng ta xác định được mốc thời gian ra đời, địa điểm khai thác, chính thức mở ra ngành khai thác than đầu tiên của Việt Nam.
Trải qua 182 năm, từ một địa điểm khai thác than nhỏ bé bằng thủ công tại Yên Lãng đã phát triển thành Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, một ngành công nghiệp khai thác than khoáng sản lớn mạnh, hiện đại, ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế của đất nước và tỉnh Quảng Ninh, thu hút hàng chục vạn lao động từ mọi miền đất nước tới Quảng Ninh làm việc và trở thành đội ngũ giai cấp công nhân mỏ có số lượng đông nhất cả nước. Qua các thế hệ nối tiếp, văn hoá công nhân mỏ được hình thành phát triển, góp phần tạo nên nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.Với ý nghĩa giá trị đó, ngày 01/10/2008, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 3171/QĐ-UBND xếp hạng “Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam” là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngày 29/12/1839 âm lịch, tức ngày 10/01 dương lịch hàng năm – ngày vua Minh Mệnh ban chiếu dụ cho phép khai thác than tại Yên Lãng được ngành than Việt Nam lấy làm ngày ra đời của ngành khai thác than Việt Nam và vua Minh Mệnh được tôn thờ là người có công khai sáng của ngành than khoáng sản Việt Nam.
Đài chỉ dụ trong khuôn viên di tích
Để ghi ơn và tôn vinh công lao của vua Minh Mệnh - Người có công khai sáng ngành khai thác than ở Việt Nam cùng với những thế hệ người lao động đầu tiên trong ngành và tưởng nhớ những người thợ mỏ hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than cho Tổ quốc, từ năm 2009 đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đầu tư tôn tạo nơi đây khang trang với khuôn viên rộng gần 50ha, bao gồm: Khu Đại hoàng đế chỉ dụ và khuôn viên; Khu Tháp Thạch trụ và khuôn viên; Khu Đền Thượng (gồm Đền chính, Nhà tả vu, hữu vu, Cổng Tam quan nội; Nghi môn, Am hóa vàng, Bình phong, Lư hương, Khuôn viên sân vườn và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác…). Tổng kinh phí đầu tư tôn tạo giai đoạn I hơn 47 tỷ đồng. Hiện nay đang tiếp tục trình UBND tỉnh cho triển khai đầu tư tôn tạo giai đoạn II.
Đây là việc làm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc, tạo động lực tinh thần quan trọng cho giai cấp công nhân mỏ và CBCNV - LĐ ngành Than trên hành trình phát triển, làm giàu cho đất nước. Là nơi du lịch về nguồn, giáo dục, nhắc nhở các thế hệ cán bộ, công nhân ngành Than nói riêng và nhân dân cả nước nói chung về nơi khởi nguồn của ngành khai thác than Việt Nam, tiền thân của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam.
Phan Thị Thúy Vân