Chùa Yên Mỹ, tên chữ là Linh Khánh tự, tọa lạc tại thôn Tân Tiến, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long. Chùa đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh tại Quyết định số 413/QĐ-UB ngày 27/2/1999.
Toàn cảnh chùa Yên Mỹ
Căn cứ theo văn tự Hán Nôm, chùa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVIII, đầu thế kỷ XIX và đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa. Năm Tự Đức thứ 8 (1855) Cai tổng hương lý dịch cùng với nhà sư trụ trì chùa Yên Mỹ, tổng Yên Dịch, huyện Hoành Bồ, phủ Sơn Định, tỉnh Quảng Yên tiến hành sửa lại nhà thờ hậu cung. Bà Đồng Thị Điều đã bỏ ra 30 quan tiền, 3 sào ruộng ở cánh đồng Đầm Lánh cúng cho nhà chùa cày cấy. Sau khi bà mất, dân làng đã tôn làm Hậu Phật và tạc tượng bà đưa vào chùa để thờ. Ngoài ra chùa còn được đưa vào sửa chữa vào các năm Thành Thái thứ 16 (1904); năm Bảo Đại thứ 6 (1931). Các công trình xây dựng xây dựng xưa gồm chùa chính, nhà thờ tổ, nhà mẫu, nhà hậu phật, nhà tăng… Những năm gần đây chùa được tôn tạo khang trang như xây dựng nhà giảng phật pháp, hồ nước, tượng Phật bà Quan âm, sân, vườn… bằng nguồn kinh phí xã hội hoá.
Chùa Yên Mỹ nằm trên khu đất cao ráo, trước cửa chùa là cánh đồng quang đãng, xa hơn nữa là hai ngọn núi chầu vào và ở giữa là sông Đồi Mom uốn khúc chảy ra sông Cửa Lục. Với địa thế này được gọi là lưỡng long vờn thuỷ. Chùa quay hướng Nam, kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 3 gian tiền đường, 2 gian hậu cung, mái lợp ngói mũi hài, hai đầu hồi bít đốc, phía trước là 2 trụ cột đắp hình búp sen. Hệ thống vì kèo cột gỗ theo kiểu chồng rường, họa tiết trang trí trên các con rường, câu đầu, đầu dư, đầu bảy chạm trổ đơn giản.
Hệ thống tượng thờ trong gian tiền đường
Trải qua thời gian, chùa vẫn giữ được hệ thống tượng phật, đồ thờ tự có giá trị. Với 25 pho tượng cổ được bài trí đúng ngôi vị càng làm tăng thêm vẻ linh thiêng cổ kính của chùa. Tượng được tạc thời Nguyễn, nhưng các nghệ nhân đã thể hiện rất công phu và tỷ mỷ, cân đối, đường nét mềm mại, trau chuốt đến từng chi tiết, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật mang đậm dấu ấn điêu khắc Việt Nam như toà Cửu Long - Thích ca sơ sinh, tượng Adiđà, Quan Âm Thị Kính, Quan Âm toạ sơn… Nhìn chung, các tượng được tạc đều có nét trầm tĩnh, đôn hậu thuần khiết, ẩn dấu trong đó nụ cười kín đáo, tạo vẻ tôn nghiêm cung kính.
Nhà giảng phật pháp trong khuôn viên chùa Yên Mỹ
Hiện nay chùa Yên Mỹ thu hút rất đông Phật tử trên địa bàn và du khách thập phương đến chiêm bái, tham gia các khoá tu luyện, giúp cho mọi người hiểu hơn về chân lý của đạo Phật, sống tốt đời, đẹp đạo./.
Phan Thị Thúy Vân