Image
Loading
01/06/2022 09:53 SA
Chùa Vân Động nằm trong cụm di tích đình - chùa - nghè làng Vân Động, thuộc địa phận xã Nguyễn Huệ, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, đã được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 1098/QĐ-UBND, ngày 20/4/2006.
Chùa Vân Động, xã Nguyễn Huệ
 
Xưa kia làng Vân Động thuộc tổng Đạm Thủy, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Theo từ điển Hán - Việt, chữ “Vân” có nghĩa là Mây; chữ “Động” có nghĩa là Hang; Vân Động được hiểu là “Động trong Mây”. Làng Vân Động xưa kia còn có tên gọi khác là làng Chằm, một trong những làng quê cổ của vùng đất Đông Triều.
 
Chùa cũ tọa lạc trên sườn đồi cách vị trí chùa hiện nay khoảng 500m, có tên gọi chùa Hồ. Tương truyền, xưa kia làng Vân Động có nhiều con gái rất xinh đẹp nhưng cứ đến tuổi thành niên là bị chết yểu. Thầy địa lý phán rằng do chùa nằm trên địa thế đất dữ “khu tam giác” nên nhà chùa đã bí mật chuyển đến vị trí hiện nay, nơi có địa thế đất thoáng đãng hơn. Tên chùa Hồ cũng không được gọi nữa.
 
Hệ thống tượng thờ gian hậu cung
 
Chùa nằm ở sườn phía tây núi Dẹo Ngựa, độ cao 50m so với mực nước biển, rộng chừng 500m2, có vị trí đắc địa, lưng tựa vào núi, phía trước là cánh đồng lúa, xa hơn là dãy núi Mâm Xôi (Chí Linh - Hải Dương) làm tiền án và dòng sông Kênh Sắn làm nơi tụ thủy, hai bên có hai dãy núi chạy xuôi ôm lấy chùa tạo thế tay ngai vững chắc. Chùa quay hướng Nam, đây là hướng hợp với sự vận hành của vũ trụ.
 
Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, sữa chữa. Năm 2011 được nhân dân trong xã quyên góp công đức xây dựng trên nền cũ. Kiến trúc chữ đinh (J), 3 gian tiền đường và 1 gian hậu cung. Tường xây gạch đỏ, không trát vữa, đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói tây, kết cấu gồm gạch, ngói và bê tông cốt thép. Mặt trước tòa tiền đường mở ra sân bằng 3 cửa gỗ chấn song bức bàn. Vườn chùa có 2 tháp mộ của các sư trụ trì chùa xây bằng gạch, trát vữa xi măng.
 
Tại gian tiền đường, bên trái có ban thờ Đức Ông, bên phải có ban thờ Đức Thánh Hiền và ban thờ Mẫu. Sát với ban thờ ở gian hậu cung là hai pho tượng Hộ pháp.
 
Hậu cung nối với gian giữa của tiền đường, có một bệ xây chia 5 cấp, trên cùng là 3 pho Tam thế. Tiếp đến là tượng Quan âm chuẩn đề, tượng Thích ca sơ sinh, bộ tượng Ngọc hoàng Thượng đế. Cấp dưới cùng là bát hương, lộc bình, mâm bồng…
 
Hệ thống tượng Phật và đồ thờ ở đây được làm bằng chất liệu đất nung và gỗ có niên đại từ thời Nguyễn rất có giá trị.
 
Lễ hội chùa Vân Động xưa kia được dân làng tổ chức chung cùng với đình và các ngôi nghè từ ngày 13 đến hết ngày 17 tháng Giêng hằng năm, gọi là hội làng Vân Động. Nay rút ngắn chỉ tổ chức trong 2 ngày nhưng vẫn rất trang nghiêm với các nghi lễ: rước thành hoàng từ nghè về tại đình, tế lễ mặn tại đình, dâng lễ chay cúng Phật tại chùa… Các trò chơi dân gian được dân làng tổ chức phong phú như kéo co, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập niêu, thi gói bánh chưng, thi têm trầu cánh phượng, hát chèo…
 
Chùa Vân Động cùng với đình và các ngôi nghè thờ Thành hoàng làng là thiết chế văn hóa, trung tâm sinh hoạt văn hóa chung của làng Vân Động, rất cần được các cấp chính quyền địa phương và nhân dân chung tay gìn giữ bảo tồn và phát huy.
 
Phan Thúy Vân
 
 
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN