Địa điểm lịch sử Trận chiến thắng Điền Xá trên đường số 4 kéo dài hơn 2 km, từ thôn Nà Chù đến thôn Khe Cầu, thuộc xã Điền Xá, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, đã được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 2669/QĐ-UB ngày 03/8/2004.
Đường số 4 - nơi diễn ra trận phục kích chiến thắng oanh liệt ngày 04/3/1949
Đường số 4 ra đời trong quá trình bình định và khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Xuất phát từ Mũi Ngọc, thành phố Móng Cái, đường số 4 với chiều dài hơn 300 km đi qua huyện Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) sang tỉnh Lạng Sơn và kết thúc ở tỉnh Cao Bằng (nay đường số 4 được tính từ Ngã Ba Yên Than, huyện Tiên Yên đi tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và được đổi thành quốc lộ 4B). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đường số 4 được Liên khu Việt Bắc coi là "cổ họng" của chiến khu Việt Bắc ở phía đông Bắc Bộ. Với tầm quan trọng đặc biệt ấy, sau khi đánh chiếm được Bắc Kỳ, ngày 20/8/1891, toàn quyền Đông Dương tách phủ Hải Ninh ra khỏi tỉnh Quảng Yên, lập khu quân sự Móng Cái, xây dựng hai sân bay dã chiến ở Tiên Yên và Móng Cái để dùng vào mục đích quân sự của chúng. Đường số 4 trở thành huyết mạch từ Đông Bắc tới Việt Bắc, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và đế quốc Pháp xâm lược.
Sau khi chiếm được tỉnh Hải Ninh, thực dân Pháp cấu kết với bọn phản động người Hoa dựng lên Xứ Nùng tự trị do tên Voòng A Sáng cầm đầu, án ngữ trên dọc đường số 4, từ Móng Cái sang Cẩm Phả thuộc Đặc khu Hòn Gai. Xây dựng Hành lang Mán phản động, kéo dài từ Đèo Chao - Sơn Động (Bắc Giang) đến Hoành Bồ (Đặc khu Hòn Gai) sang Tiên Yên, Ba Chẽ và Bình Liêu (tỉnh Hải Ninh) nhằm chia cắt, ngăn cản thế lực của ta giữa Đông Bắc với Việt Bắc và an toàn khu của Trung ương Đảng tại Bắc Giang.
Trước những đòn tấn công thắng lợi của ta trong chiến dịch Đông Bắc I năm 1948, thực dân Pháp buộc phải điều chỉnh lại tuyến phòng thủ ở Đông Bắc, chúng tích cực phong toả biên giới, phòng thủ vùng Đông Bắc duyên hải, tăng cường củng cố các vị trí đóng quân, xây dựng công sự, thường xuyên tuần tiễu, thả thuỷ lôi, phong toả đường biển, xây thêm pháo đài ở đảo Tuần Châu (Đặc khu Hòn Gai), nhằm kiểm soát trên mặt biển. Địch củng cố và phát triển hệ thống đồn bốt dọc đường số 4 và đường liên lạc vận tải Mũi Ngọc và Mũi Chùa, Hòn Gai, Hải Phòng. Tại xã Châu Sơn chúng xây 2 lô cốt, tại xã Bắc Lãng xây 1 lô cốt, tại Điền Xá, Yên Than gần ngã ba ra đường số 18A chúng xây dựng 4 lô cốt kiên cố. Ngoài ra chúng còn xây dựng hệ thống hậu cần, đặc biệt là kho xăng Khe Tù, mở rộng cảng Mũi Chùa nhằm thuận lợi cho việc đổ quân, tăng viện vũ khí từ phía trong ra.
Tháng 3/1949, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Đông Bắc II, chủ yếu diễn ra trên đường số 4 từ Tiên Yên đến Đình Lập. Huyện Tiên Yên ở vị trí đặc biệt quan trọng của chiến dịch, là đầu mút giao thông đi các tuyến như Tiên Yên đi Lạng Sơn, Cao Bằng (theo đường số 4), đi Bình Liêu (theo đường 18C), đi Đầm Hà, Hà Cối, Móng Cái (theo đường số 4, nay là đường 18A), đi Cẩm Phả, Hòn Gai (nay là đường 18A).
Chủ trương của Bộ chỉ huy chiến dịch lúc này là chặn đánh đường tiếp tế của Pháp trên đường số 4, đoạn Điền Xá - Bắc Lãng, nhằm cắt đứt đường tiếp tế lương thực của thực dân Pháp. Trận địa được bố trí làm ba địa điểm: Địa điểm thứ nhất chặn đầu ở đoạn Khe Tát. Địa điểm thứ hai cách địa điểm thứ nhất khoảng 1km về hướng Tiên Yên. Địa điểm thứ ba cách địa điểm thứ hai cũng khoảng 1km về hướng Tiên Yên, đây là địa điểm khoá đuôi và chặn đánh đoàn tiếp viện của Pháp ở Tiên Yên đến. Đoạn đường này tuy không cao nhưng ngoằn ngoèo chữ chi, hai bên là sườn núi dốc đứng chạy dài theo đường quốc lộ, có rừng cây rậm rạp um tùm, có khe suối lớn chạy dọc theo đường và nhiều khe suối cắt ngang, rất thuận tiện cho việc bí mật phục kích. Các địa điểm tự vận dụng vào địa hình để bố trí trận địa cho phù hợp.
Khoảng 9 giờ sáng ngày 04/3/1949, một chiếc xe trinh sát của địch đi trước đã phát hiện và bắn chết một trinh sát của ta rồi nhanh chóng vượt qua dốc thoát sang đất Bắc Lãng. Bị lộ nên ta quyết định phản kích đánh đoàn xe quân sự của chúng. Chờ cho chúng lọt vào trận địa phục kích của ta, lúc này quân ta ở dọc sườn núi bắt đầu xông ra nhất loạt nổ súng chặn đầu và khoá đuôi làm cả đoàn xe tắc nghẽn không kịp trở tay nên đã nằm gọn trong tầm hoả lực của ta, nhiều tên nhanh chóng nhảy xuống tìm cách chống cự nhưng đã bị quân ta tiêu diệt gần hết, nhiều tên nhảy xuống khe vực ẩn nấp cũng bị quân ta tiêu diệt.
Thùng xe Jeep, chiến lợi phẩm quân ta thu được trong trận chiến thắng Điền Xá
ngày 04/3/1949, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh
Trận đánh diễn ra ác liệt, sau 30 phút chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt tại chỗ 125 tên địch, phá 16 xe vận tải quân sự, thu 68 súng, 2 máy vô tuyến điện. Trong số súng ta thu được có 42 khẩu đại liên và trung liên, nhiều tài liệu và bản đồ tác chiến của chúng. 25 lính Âu Phi bị bắt trong đó có tên quan hai Baille chỉ huy đoàn xe. Ta giải chúng theo đường rừng về căn cứ cách mạng của tỉnh để giao nộp cho Quân khu. Số chiến lợi phẩm thu được chuyển về căn cứ quân sự của tỉnh ở Khe Lao, Lương Mông (Ba Chẽ). Về phía quân ta, vì giành được thế chủ động nên trong trận chiến đấu này ta chỉ bị chết một chiến sỹ trinh sát.
Sau trận chiến thắng này, ngày 12/3/1949, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi điện khen ngợi đơn vị: “Tôi đã được tin thắng lợi của quân ta trong trận tiêu diệt chiến Điền Xá (Tiên Yên). Tôi có lời khen ngợi chiến công mùa xuân của các đồng chí. Các đồng chí hãy cố gắng hơn nữa”.
Trận Điền Xá không chỉ là chiến công quân sự mang ý nghĩa địa phương mà còn là chiến công oanh liệt của quân đội nhân dân Việt Nam, đã được ghi nhận cùng với những chiến công thời đó như Sông Lô, Việt Bắc. Đảng bộ Liên khu Việt Bắc đánh giá: “Các đội viên đã tiến nhiều về kỹ thuật, xung phong công đồn và kỹ thuật phục kích, tiêu diệt địch một cách chớp nhoáng”.
Di tích Địa điểm lịch sử Trận chiến thắng Điền Xá trên đường số 4 cần được Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị, nhằm ghi dấu sự kiện, giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần chiến đấu và truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc./.
Phan Thị Thúy Vân