Image
Loading
12/11/2020 04:39 CH
Đình - miếu Cái Chiên gồm: đình Cái Chiên, miếu Ông, miếu Bà, miếu Quan Lớn, tọa lạc ở thôn Đầu Rồng, xã đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Năm 1995, nhân dân dựng tạm một gian nhà nhỏ
 trên nền hậu cung của đình Cái Chiên để thờ Thành hoàng
 
Căn cứ theo hồ sơ, đình Cái Chiên khởi đầu được dựng từ thời Hậu Lê (khoảng thế kỷ thứ XVIII) với quy mô nhỏ bằng tranh tre mái lá. Do diện tích nhỏ, đất hẹp, đình bị xuống cấp nên một thời gian sau dân làng chuyển đến vị trí thứ 2, cách đình hiện nay khoảng 300m về hướng Nam. Cả hai vị trí này vẫn còn lưu tên địa danh Gồ Miếu Cũ và Gồ Đình Cũ. Ngôi đình ở vị trí thứ 2 cũng chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân trong xã và khách thập phương mỗi khi làng mở hội. Năm 1942, đình được dịch chuyển đến vị trí thứ 3, lui về phía sau ngôi đình thứ 2 khoảng 300m, sát chân núi, nơi có địa thế đất bằng phẳng, rộng hơn, được ghi lại trên cây thượng lương của đình.
 
 
Tảng đá kê chân cột, đình Cái Chiên
 
Chữ Hán Nôm viết trên cây thượng lương đình Cái Chiên
 
Đình Cái Chiên thờ 8 vị Thần - Thành hoàng là: Cao Thiên Đại Vương; Thủy Tề Đại Vương; Triều Thiên Hảo Tiết Đại Vương; Bản Lộ Đô Thống Đông Hải Đại Vương; Trấn Tín Quốc Đại Vương; Tần Chế Đại Vương, Quân Chế Đại Vương; Cầm Quân Thần Hổ Đại Vương. Các cụ già xã Cái Chiên kể lại: Sau khi xây dựng xong đình làng, nhân dân xã đảo Cái Chiên (và cả xã đảo Vĩnh Thực, thành phố Móng Cái) đã xin chân nhang một số vị thần Biển từ đình Đầm Hà về thờ với mong muốn các vị thần này sẽ phù trợ cho dân làng trong những chuyến ra khơi bám biển dài ngày, sóng yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền.
  
Bát hương gốm hiện đang lưu giữ tại đình Cái Chiên
 
Lễ hội chính của đình - miếu Cái Chiên được tổ chức từ ngày 16 đến 20 tháng Giêng hàng năm với nhiều nghi lễ mang sắc thái của cư dân làng Việt biển đảo, như: Lễ cáo yết; lễ rước Thành hoàng; lễ nhập tịch; lễ an vị; nghi lễ ngồi đình của các chức sắc quan viên... đặc biệt là nghi lễ hát thờ thần và lễ dâng cỗ tế thành hoàng của tất cả các gia đình trong xã. Trong 4 ngày đầu diễn ra lễ hội (16-19 tháng Giêng) mỗi gia đình trong một thôn phải làm cỗ dâng tế Thành hoàng trong một ngày, đã tạo thành một rừng hoa cỗ muôn sắc màu giữa biển cả mênh mông... Phần hội được diễn ra với trò chơi, trò diễn dân gian như tổ tôm, cờ tướng, hát nhà tơ, hát cửa đình diễn ra trong suốt thời gian lễ hội.
 
Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, ngoài chức năng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh, đình – miếu Cái Chiên còn là nơi đóng quân và hoạt động cách mạng an toàn của quân dân ta trên đảo. Là nơi thành lập Đội Tự vệ vũ trang của xã Cái Chiên; Bỏ phiếu bầu Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Bầu Uỷ ban kháng chiến; Uỷ ban kháng chiến hành chính; Là nơi đặt hũ gạo để quyên góp nhân dân ủng hộ kháng chiến; Tổ chức các lớp bình dân học vụ... Đặc biệt, giữa năm 1948, tại đình Cái Chiên, thôn Vụng Bầu (nay là thôn Đầu Rồng) đã diễn ra lễ kết nạp lớp Đảng viên đầu tiên của các xã miền biển Hà Cối gồm: Cái Chiên, Phú Hải, Tiến Tới. Ngày 04/12/1948, được Tỉnh uỷ Hải Ninh chuẩn y, cũng tại đình Cái Chiên, Chi bộ ghép miền biển Duyên Hải tỉnh Hải Ninh gồm các xã: Cái Chiên, Phú Hải, Tiến Tới (nay thuộc huyện Hải Hà), Vĩnh Thực, Vĩnh Trung (nay thuộc TP. Móng Cái) được thành lập. [1]
 
Do đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, từ năm 1949, lễ hội đình - miếu Cái Chiên không được duy trì. Năm 1960, đình Cái Chiên được sử dụng làm trường học của xã Cái Chiên. Năm 1967, do không được tu sửa nên đình bị sập đổ, các ngôi miếu cũng dần bị hoang phế. Năm 1995, một số gia đình ở xã Cái Chiên đã dựng lại một gian nhà nhỏ trên nền hậu cung của đình Cái Chiên, sửa sang lại miếu Ông, miếu Bà, năm 2016 tôn tạo lại miếu Quan Lớn để nhân dân Cái Chiên thờ cúng Thành hoàng làng.
 
 
Đầu con rồng đắp trên bờ nóc, đình Cái Chiên
 
Hiện nay tại khu vực đình Cái Chiên vẫn còn nguyên vẹn nền móng của ngôi đình cổ, một số đoạn tường bao của gian hậu cung; một tảng đá kê chân cột đường kính 30cm; một bát hương gốm sành cao 35cm có niên đại khoảng cuối thế kỷ thứ XVIII; một viên gạch vuông lát nền; một đài gỗ (đã hỏng); một cây đèn sứ (đã hỏng); một mô hình đầu con rồng ốp mảnh sứ gắn trên bờ nóc; một mô hình đầu con lân ốp mảnh sứ gắn ở đầu kìm, một cây thượng lương khắc ngày 20 tháng 7, triều vua Bảo Đại thứ 17 (1942). Tất cả các di vật trên đều có niên đại từ thời Nguyễn. Tại miếu Ông vẫn còn giữ được một bát hương gốm sành cao 17cm, có niên đại cùng thời với bát hương gốm ở đình Cái Chiên. Đặc biệt nhân dân xã Cái Chiên vẫn còn lưu giữ được một quyển sách Hán Nôm cổ có tiêu đề “Tấu Thần văn” (văn tấu Thần) viết năm Đinh Dậu (1897) ghi tên các vị Thành hoàng và các bài văn cúng tế Thần trong lễ hội đình Cái Chiên.
 
Đây là những tư liệu, hiện vật rất quý, khẳng định dấu ấn văn hóa của làng Việt cổ và truyền thống cách mạng của nhân dân xã đảo Cái Chiên, giáo dục cho các thế hệ con cháu mai sau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
 
Với những giá trị đó, ngày 07/5/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh ký Quyết định số 1567/QĐ-UBND xếp hạng đình – miếu Cái Chiên là Di tích Lịch sử cấp Tỉnh./.
 
[1] Lịch sử Đảng bộ huyện Hải Hà, tập I (1939-1992), tr 59.

 
 
Bài, ảnh: Phan Thị Thúy Vân
 
 
 
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
  
  
  

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 12:00 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Chùa Vân Động

Chùa Vân Động

  • 01/06/2022 09:53 SA

Chùa Vân Động nằm trong cụm di tích đình - chùa - nghè làng Vân Động, thuộc địa phận xã Nguyễn Huệ, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, đã được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 1098/QĐ-UBND,...