Image
Loading
24/03/2021 03:17 CH
Khu căn cứ kháng chiến chống Pháp Bằng Cả thuộc địa phận xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ (nay là thành phố Hạ Long) [1] , đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh xếp hạng Di tích lịch sử theo Quyết định số 3173/QĐ-UBND, ngày 01/10/2008.
Xã Bằng Cả ở về phía Tây của huyện Hoành Bồ, chủ yếu là đồi núi cao, khe suối sâu, rừng rậm um tùm. Phía Đông giáp xã Tân Dân, Quảng La, Dân Chủ, Sơn Dương, phía Nam giáp trung tâm căn cứ của tỉnh Quảng Yên, phía Tây có đường đi Uông Bí, Đông Triều, phía Bắc có đường đi vùng căn cứ tự do Sơn Động của tỉnh Bắc Giang, đây là con đường tiếp tế, vận chuyển quân, vũ khí đạn dược và lương thực cho căn cứ rất an toàn. Chính vì vậy mà cuối năm 1949, Đặc khu uỷ Hòn Gai đã chọn Khe Chính xã Bằng Cả làm căn cứ của Đặc khu và của huyện Hoành Bồ.
Đường vào Khe Chính - Khu căn cứ của Đặc khu uỷ Hòn Gai và huyện Hoành Bồ
trong kháng chiến chống Pháp
 
Sau Chiến dịch Biên giới năm 1950, thực dân Pháp đã tăng cường càn quét, khủng bố các căn cứ cách mạng của ta, trong đó có căn cứ ở Bằng Cả. Tuy lực lượng vũ trang của huyện Hoành Bồ quá mỏng, nhưng đã phối hợp với du kích xã Bằng Cả 9 lần đánh tan các cuộc càn của bọn biệt kích và bọn phỉ vào căn cứ. Năm 1951, căn cứ Bằng Cả đã chống 4 trận càn, bắt sống 17 tên dịch, thu 4 súng máy và nhiều súng trường. Xã Bằng Cả bị địch càn phá liên tục nên ở đây chỉ còn hơn chục gia đình đều là người Dao (Thanh Y) một lòng theo Đảng, bám trụ lại và ở trong khu Khe Chính cùng với căn cứ của ta.
Dấu tích giao thông hào trong khu căn cứ Khe Chính
 
Tháng 3/1953, thực dân Pháp đã huy động 400 quân lính chính quy phối hợp với lực lượng biệt kích Com - măng - đô, bọn phỉ, có máy bay và pháo binh yểm trợ càn quét xã Bằng Cả. Chúng tiến vào xã Bằng Cả bằng 4 hướng. Hướng thứ nhất từ Hòn Gai đi thị trấn Trới - Sơn Dương, hướng này chúng tập trung quân nhiều nhất. Hướng thứ 2 từ Quảng Yên - Quảng La. Hướng thứ 3 từ Quảng Yên - Uông Bí - Đồng Bống - Đèo San. Hướng thứ 4 do bọn phản động tập trung ở xã Tân Dân sang. Theo kế hoạch thì ba hướng từ Sơn Dương, Quảng La và Tân Dân sẽ gặp nhau tại sông Đồn và tiến đánh ở phía đông. Hướng từ Đèo San sẽ tiến đánh ở phía tây của xã Bằng Cả. Với kế hoạch này chúng hòng bịt chặt con đường rút lui của quân ta.
 
Dấu tích nền nhà trong khu căn cứ Khe Chính
 
Dưới sự chỉ huy của Đặc khu trưởng Đặc khu đội Hòn Gai Lý Văn Tài (người Tày), các cánh quân của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích đã được bố trí tại các điểm để chặn bước tiến của chúng.
 
Hướng thứ nhất do đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm, Đại đội trưởng đại đội 21 chỉ huy. Tại hướng này ta bố trí ba tiểu đội phục kích ở ba điểm dọc theo tuyến đường vào, mỗi điểm được trang bị một khẩu súng máy, súng cối, tiểu liên và các loại súng khác. Hướng thứ 2 do đồng chí Trương Văn Thạch (Dao Thanh Y), Bí thư Chi bộ xã Bằng Cả kiêm xã đội trưởng chỉ huy. Tại hướng này quân ta bố trí phục kích ở Đìa Mực, được trang bị một khẩu súng máy và các loại súng khác. Hướng thứ 3 do đồng chí Đặng Khắc Ngân, Đại đội trưởng Đại đội 23 chỉ huy. Tại hướng này quân ta bố trí phục kích ở Đèo San, được trang bị 2 khẩu súng máy và các loại súng khác.
 
Do lực lượng quân ta mỏng, vũ khí ít, thô sơ nên phương châm chủ yếu là dựa vào các vách núi cao, bìa rừng rậm, lợi dụng địa hình địa vật tại chỗ để phục kích, bắn tỉa nhằm làm chậm bước tiến của chúng, sau đó nhanh chóng rút dần về bảo vệ căn cứ. Làm hầm chông, cạm bẫy, đào đường, đắp ụ đất... tạo thành chướng ngại vật để cản bước tiến của địch vào căn cứ.
 
Khoảng 7 giờ sáng ngày 5/3/1953, chúng đến Sơn Dương, đi theo đường Đồng Đặng, đến khu vực núi Ba Góc, tại đây dưới sự chỉ huy của Nguyễn Ngọc Sâm, 2 tiểu đội có súng máy đã được bố trí sẵn, từ trong bìa rừng bắn ra, chúng bị ta đánh bất ngờ không kịp trở tay, kết quả là ta đã bắn cháy một xe vận tải chở hơn một tiểu đội lính Pháp, trên đó có một súng cối 60ly. Một tốp quân của Pháp ở lại thu dọn xác đồng đội rồi quay ra, số còn lại chúng nhanh chóng thoát khỏi khu vực này và tiến sâu vào phía khu căn cứ của ta. Đến ngã ba Đồng Đặng chúng lại bị một tiểu đội của ta phục kích, lần này chúng bị ta bắn làm nổ lốp xe và bị chết một số người. Khoảng 10 giờ, các cánh quân của chúng ở các hướng Sơn Dương, Quảng La và Tân Dân gặp nhau ở bờ phía Đông của sông Đồn, đến khoảng 1g30' chúng bắt đầu tiến đánh vào căn cứ Bằng Cả. Các cánh quân của ta sau khi chặn đánh các hướng cũng đã nhanh chóng rút về tập kết tại bờ phía Tây của sông Đồn, còn một số quân vẫn được bố trí ở lại dọc tuyến đường Sơn Dương, Quảng La đánh trả lại khi chúng rút lui.
 
Tại đây, chúng còn huy động ba máy bay B26 từ Cát Bi Hải Phòng sang để yểm trợ cho trận đánh. Đây là điểm trọng yếu nhất, quyết định sự tồn tại của căn cứ Bằng Cả, với tinh thần chiến đấu rất cao, quyết tâm bảo vệ căn cứ đến cùng, quân ta đã đánh trả lại chúng rất quyết liệt trong khoảng thời gian 30 phút, biết không thể tiến quân sang bên kia sông Đồn và đánh vào căn cứ của ta được, bọn chúng buộc phải rút lui. Trên đường rút, thỉnh thoảng lại gặp những phát súng bắn tỉa của quân ta từ trong rừng ra khiến chúng càng phải rút nhanh hơn.
 
Tại hướng từ Uông Bí theo đường Đồng Bống sang, khi chúng đến Đèo San đã gặp phải sự giao tranh quyết liệt của Đại đội 23 phục kích sẵn, do đồng chí Đặng Khắc Ngân chỉ huy, buộc chúng phải rút lui.
 
Bộ đội và dân quân du kích xã Bằng Cả có khoảng 200 người, mặc dù chỉ được trang bị súng trường và súng kíp nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, có nhiều cách đánh sáng tạo, sử dụng tốt hầm chông, cạm bẫy nên đã đẩy lùi được trận càn quét của địch, không một ai bị hy sinh, bảo toàn được lực lượng, tài sản, tính mạng của nhân dân. Với thành tích đó, cuối năm 1953, dân quân du kích xã Bằng Cả được Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, 7 cán bộ, đảng viên trong xã được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Đồng chí Bí thư chi bộ xã kiêm xã đội trưởng Trương Văn Thạch được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, được bầu làm Chiến sỹ thi đua giết giặc lập công và tuyên dương toàn Liên khu Việt Bắc. Căn cứ cách mạng Bằng Cả vẫn duy trì và bám trụ đến hết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
 
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm thì vẫn còn vang mãi trong lòng người dân nơi đây. Những địa điểm như Đèo San, Sông Đồn, Núi Gác, Khe Chính giờ đây đã trở thành địa danh lịch sử, minh chứng cho tinh thần chiến đấu bất khuất của các chiến sỹ bộ đội, du kích quân xã Bằng Cả nói riêng, của quân và dân các dân tộc huyện Hoành Bồ (thành phố Hạ Long) nói chung quyết tâm chống trả lại các trận chống càn của thực dân Pháp bảo vệ an toàn căn cứ cách mạng của ta./.
 
* Ghi chú: [1] Ngày 17/12/2019, huyện Hoành Bồ sáp nhập vào thành phố Hạ Long theo Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh. Do di tích thuộc thời kỳ chống Pháp nên trong bài viết vẫn sử dụng tên địa danh huyện Hoành Bồ.
 
Phan Thị Thuý Vân
trang chủ

Chia sẻ:
Ý KIẾN BÌNH LUẬN  Ý KIẾN BÌNH LUẬN
  
  
  

Bài nổi bật

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

Khai mạc triển lãm “Di sản thiên nhiên Thế giới – triển lãm đặc biệt Jeju Hàn Quốc”

  • 01/07/2023 12:00 SA

Sáng 30/6, tại Bảo tàng Quảng Ninh đã diễn ra buổi khai mạc trưng bày triển lãm: “Di sản thiên nhiên thế giới – Triển lãm đặc biệt JEJU HÀN QUỐC”. Triển lãm do Trung tâm di sản thế giới Jeju phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Bảo...

Bài viết khác

Chùa Vân Động

Chùa Vân Động

  • 01/06/2022 09:53 SA

Chùa Vân Động nằm trong cụm di tích đình - chùa - nghè làng Vân Động, thuộc địa phận xã Nguyễn Huệ, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, đã được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 1098/QĐ-UBND,...